logo Tìm kiếm
logo Thông báo & tin nhắn

Bất động sản 24h: Nguyên nhân cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ nhiều năm

11/06/2023 04:55 CH

Cao tốc Bến Lức – Long Thành bị chậm, Đại biểu hỏi Bộ trưởng khi nào xong; Cần khoảng 420.000 tỉ đồng phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030; Đồng Nai “chạy đua” đảm bảo tiến độ khởi công cao tốc, Vành đai 3... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Cao tốc Bến Lức – Long Thành ì ạch, Đại biểu hỏi Bộ trưởng khi nào xong?

Trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 8/6, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành đối với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Được biết, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng, khởi công xây dựng hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng.

Trong khi đó, nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được. Để tháo gỡ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính. Hiện các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại. Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025.

Bất động sản còn 101.179 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 2/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 25.598 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 5, chưa có trái phiếu doanh nghiệp nào được mua lại trong tháng 6. Trong đó, Nhóm Ngân hàng chiếm đa số với 17.067 tỷ đồng, tương đương 66%. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 76.523 tỷ đồng (tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 2/6, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng. Nhóm Bất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 31,661 tỷ đồng.

Cần khoảng 420.000 tỉ đồng phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030

Thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:

14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

Về hệ thống bảo đảm hoạt động bay, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không.

Theo kế hoạch được phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với số vốn trên, trong một hội thảo cuối năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa ra mức kinh phí cần thiết để đầu tư kết cấu hạ tầng 28 sân bay trong thời kỳ 2021 – 2023 là 403.000 tỉ đồng. Cơ quan hiện mới chỉ huy động được 275.000 tỉ đồng (ACV tham gia khoảng 265.000 tỉ đồng và Bộ GTVT cân đối 9.800 tỉ đồng). Vẫn còn thiếu hơn 130.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có thêm 2 sân bay được bổ sung vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay cần đầu tư lên 30, số vốn nhu cầu cũng tăng hơn 17.000 tỉ đồng.

Đồng Nai “chạy đua” đảm bảo tiến độ khởi công cao tốc, Vành đai 3

Theo báo cáo của Sở GTVT, công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 - TP.HCM, UBND huyện Nhơn Trạch đã ban hành thông báo thu hồi đất.

Với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt tiểu dự án thành phần 1. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án hiện đang bị chậm, đặc biệt là 2 khu tái định cư trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Cùng với đó, các khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án hiện chưa được tháo gỡ. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Nhơn Trạch tiếp tục triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 3 - TP.HCM. Đối với khu vực tổ chức lễ khởi công dự án phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 15/6.

Nguồn: 

Để lại bình luận của bạn